Tác giả: Bridget O’Flaherty
Người dịch: Dương Lệ Chi
10-06-2012
Sự lạc quan trong thời kỳ bùng nổ kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn trước năm 2008 đã không còn nữa. Đảng Cộng sản biết rằng họ phải hành động. Nhưng dường như họ chẳng biết phải làm gì.
Một bên của ngôi chợ Hoà Bình kiên cố và rộng lớn ở quận 5, TP Hồ Chí Minh, là một “ngôi chợ trời”, nơi những người bán hàng lắp các bóng đèn nhỏ trên hàng hóa và thịt cá của họ, và dây điện quấn vòng qua những chiếc ô dù lớn. Trong những dịp đặc biệt như ngày lễ, cảnh sát có thể xua đuổi họ, thậm chí bắt giữ hàng chục người buôn bán này. Đôi khi, hàng hoá bị tịch thu. Nhưng đó không chỉ là vấn đề của họ hiện nay.
“Kể từ năm ngoái, thu nhập của gia đình chúng tôi đã giảm 40%, chỉ còn gần một nửa thu nhập trước đây”, cô Phan Thị Khánh nói, khi cô sắp sửa lại các bắp xà lách trong một cái rổ tre nông.
Cô Khánh làm việc 16 tiếng một ngày và nói rằng cô mang về nhà từ 100.000 – 200.000 đồng (khoảng 5 đến 10 đô la). Cô nói rằng chồng của cô giúp cô trong công việc buôn bán, trong khi các cậu con trai của họ làm việc tại các nhà máy địa phương. Cô nói, mấy đứa con trai vẫn sống chung trong nhà, bởi vì tiền thuê nhà quá mắc, chúng không đủ khả năng để ra ở riêng.
Cô nói: “Hầu hết những người mua sắm ở đây là các công nhân nhà máy hoặc những người ngoại tỉnh. Người giàu chẳng mua sắm ở đây. Giá đã tăng, nhưng mức lương của người lao động không tăng, nên họ mua sắm ít hơn“.
Không rõ con số chính thức, nhưng người dân địa phương nói rằng, các cuộc đình công tại các nhà máy ngày càng gia tăng, do mức lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ. Lo lắng về tiền lương càng trở nên trầm trọng hơn do lạm phát leo thang trong những năm gần đây. Lạm phát lên tới đỉnh điểm 23% hồi tháng 8 năm ngoái, trước khi giảm xuống còn 18% vào đầu năm 2012. Nhưng vẫn còn ở mức hơn 8% hồi tháng trước. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế một lần nữa đã giảm xuống và có vẻ như không vượt quá 5,2% trong năm nay, theo tin từ chính phủ.
Chính phủ đang đáp ứng qua kế hoạch cải cách lớn trong ba lĩnh vực chính: lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước chậm chạp, lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công. Doanh nghiệp nhà nước đã bị lỗ lã quá nhiều trong nhiều năm. Thật vậy, công ty vận tải biển Vinalines là doanh nghiệp nhà nước, mà các phương tiện truyền thông chính phủ cho biết, đã “lãng phí” một tỷ đô la, chỉ là ví dụ rõ ràng nhất trong nhiều doanh nghiệp nhà nước. Ba giám đốc điều hành của công ty đã bị bắt, trong một lĩnh vực kinh doanh ước tính chiếm khoảng 40% nền kinh tế.
Trong khi đó, Tập đoàn Đóng tàu Vinashin đang đùa với trò phá sản sau nhiều năm quản lý yếu kém. Một trong những vấn đề được nhận diện là, công ty này đã chuyển hướng sang các thành phần kinh doanh “không căn bản”, như quản lý khách sạn.
Báo chí trong nước cho biết, trong một báo cáo gần đây gửi tới Quốc hội, cơ quan lập pháp của đất nước, chính phủ cho biết, các doanh nghiệp nhà nước đã cắt giảm chi tiêu gần 660 triệu đô la trong 5 năm, kết thúc vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ ngày càng quan tâm hơn đến những vụ làm ăn thua lỗ lớn của nhà nước. Chẳng hạn như, ông Đỗ Văn Dương, Đại biểu Quốc hội TP HCM, đã nói với báo Thanh Niên: “Đã đến lúc phải khởi tố, điều tra những dự án làm thất thoát tài sản của đất nước, để quy trách nhiệm rõ ràng”. Ông nói rằng các trường hợp gần đây như Vinashin và Vinalines chính là sự quản lý kém của doanh nghiệp nhà nước.
Các công ty hiện đang được yêu cầu phải công bố thu nhập, nhưng kế hoạch này chỉ đang ở giai đoạn đầu. Nhưng cho dù chính phủ có tuyên bố gì đi nữa, dường như cải cách thực sự sẽ không sớm xảy ra, khi các doanh nghiệp nhà nước đang chống lại sự thay đổi, đầu tư nước ngoài hay tái cấu trúc. Ngoài ra, nhiều người (âm thầm) than phiền rằng, các quy định của chính phủ để bảo đảm một lực lượng lao động lớn trong khu vực nhà nước và các dịch vụ [công] miễn phí cho người nghèo đang gặp vấn đề khó khăn, khi cố gắng nâng cao hiệu quả – họ than thở.
Năm ngoái, một số nhà kinh tế trong nước đã đưa ra những lời đề nghị thay đổi lớn nhất kể từ thời kỳ đổi mới, một chính sách bắt đầu từ năm 1986, đã mở cửa trở lại nền kinh tế của đất nước cộng sản bị cô lập, và là một hành động được nhiều nhà phân tích ghi nhận như là một động lực thực sự đằng sau sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong hai thập niên qua.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát hoài nghi về những điều như thế. Ông Douglas “Pete” Peterson, cựu Đại sứ Mỹ ở Hà Nội đã nói về sự so sánh với thời kỳ đổi mới trong một cuộc phỏng vấn: “Ồ, tôi rất muốn nhìn thấy điều đó“. Ông Peterson là một tù nhân chiến tranh trong cuộc chiến Việt Nam và là Đại sứ Mỹ đầu tiên thời hậu chiến ở Việt Nam, phục vụ từ năm 1997-2001. “Đổi mới là một quyết định lớn, chỉ diễn ra một lần nhưng đã có được lợi ích về mọi mặt“.
Ông nói rằng đã có một số lợi ích tức thì từ chính sách đó. Ông Peterson nói: “Người dân không còn bị đói. Nông dân được trả lại đất đai, năng suất gia tăng nhanh và mọi người được bảo đảm đủ lương thực. [Trước khi cải cách], người dân bị đói đến chết trên đường phố“.
Tuy nhiên, một phần tư thế kỷ sau đó, niềm tin của người tiêu dùng đã xuống thấp. Thật vậy, theo công ty khảo sát thị trường Cimigo, trong tháng 10 năm 2011, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay.
“[Các số liệu của tháng 10] là số liệu thấp nhất mà tôi chưa từng thấy”, ông Richard Burrage, một đối tác quản lý của công ty nói thêm rằng, sự suy giảm như thế thường xảy ra ngay sau khi giá xăng đạt tới đỉnh cao. Từ cuối tháng 4 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, chỉ số tiêu dùng thực phẩm và chỉ số giá xăng dầu đã gia tăng đều đặn.
“Với mức lạm phát đó, người dân kiếm được ít hơn so với trước đây”, ông Burrage nói, lưu ý rằng có “nhiều lạc quan hơn” trong thời kỳ bùng nổ kinh tế trước năm 2008.
Tuy nhiên, giá xăng dầu không phải là chỉ số duy nhất mà các nhà phân tích để mắt tới – doanh số bán hàng điện thoại di động được xem như một cách không chính thức khác để đánh giá niềm tin của người tiêu dùng trên khắp cả nước. Việt Nam có số lượng lớn người sử dụng điện thoại di động, hầu hết giới trẻ sở hữu một vài cái điện thoại.
Trương Thị Ái Châu, 30 tuổi, đã từng quản lý một cửa hàng điện thoại di động ở thành phố Hồ Chí Minh trong sáu năm. Nhưng cô nói rằng mọi thứ trở nên khó khăn hơn, không phải chỉ do các siêu thị hiện đang giảm bớt những cửa hàng bán lẻ nhỏ hơn.
Cô nói: “Bây giờ khó khăn hơn nhiều. Trước đây, họ có thể mua các hiệu đắt tiền, nhưng bây giờ họ chỉ cần mua một cái để xài“.
Jonathan Pincus, một kinh tế gia của Harvard, đã giảng dạy ở Việt Nam hơn tám năm, tin rằng, mặc dù Đảng Cộng sản đã xác định đúng ba lĩnh vực thật sự cần cải cách, nhưng vấn đề cần làm thực sự thì vẫn chưa làm.
Ông nói: “Có sự thiếu đồng thuận về cách thực hiện. Tôi nghĩ rằng không có sự bất đồng về ý thức hệ” giữa các đảng viên. Ông cho rằng, đó chính là sự cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích đặc biệt hiện đang gây sự chia rẽ.
Với nhiều người bên ngoài, cách xử lý vấn đề của đảng nằm ở tầm mức từ không rõ ràng cho tới không thể hiểu được. Tuy nhiên, trong quá khứ, những gì đã rò rỉ ra bên ngoài cho thấy, có những rạn nứt bên trong nội bộ đảng và chính phủ, giữa các nhóm bảo thủ và nhóm cải cách.
Mặc dù, lần này có thể liên quan đến sự khác biệt lợi ích thương mại giữa các doanh nghiệp nhà nước và các nhóm khác. Chắc chắn, sau các thông báo rất rõ của chính phủ hồi năm ngoái, một số tin tức báo chí đã chỉ trích “lợi ích đặc biệt” do sự chống lại những cải cách quan trọng trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước.
“Họ cần phải làm gì đó, nhưng họ chẳng biết làm gì“, ông Pincus nói.
Kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh trong một thập niên theo sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990, cuộc khủng hoảng này đã đe dọa phá hoại những sự tiến bộ trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, trong năm năm qua, nền kinh tế đã xoay chuyển giữa các chu kỳ tăng trưởng và suy thoái.
Ông Pincus nói: “Các vấn đề khó khăn hiện nay là nghiêm trọng. Chúng ta sẽ bị kẹt trong chu kỳ tăng trưởng và suy thoái này cho đến khi mọi thứ được sửa đổi. Giai đoạn phát triển dễ dàng đã qua rồi“.
Nguồn: The Diplomat
0 nhận xét:
Đăng nhận xét