Phần đông dân chúng ở nước ngoài không quan tâm đến vàng và các quy định quản lý vàng vì người ta tin tưởng vào đồng tiền nước mình.
Hiện nay, các nước phát triển không cấm dân chúng sở hữu vàng miếng vì như vậy sẽ vi phạm hiến pháp về quyền sở hữu tài sản (thông tin trên báo chí cho biết người dân sẽ không được mua vàng miếng, nếu đang giữ nó thì có thể tiếp tục giữ – về cơ bản là cấm quyền sở hữu). Mỹ và Úc trước đây có thời cấm nhưng đã bãi bỏ.
Ở những nước có thị trường tài chính phát triển, ngay cả nếu người dân nghĩ rằng giá vàng sẽ tăng người ta cũng không đổ xô đi mua vàng miếng vì họ có thể mua các loại chứng khoán liên quan đến vàng, ví dụ như gold ETF. Hơn nữa, số lượng vàng trong nền kinh tế quá nhỏ bé so với GDP của họ, nên cho dù giá vàng biến động thế nào và nhu cầu mua vàng miếng tăng vọt thì ảnh hưởng vào cung/cầu tiền và ngoại tệ không đáng kể.
Lượng vàng trong nền kinh tế của Việt Nam có khác, lớn hơn, nên khi có biến động, các tác động tiêu cực đến cung/cầu tiền và ngoại tệ lớn hơn. Tuy nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực này bằng cách đang dự tính sẽ không hiệu quả. Chúng ta đã có tiền lệ về thị trường chợ đen, buôn lậu đối với nhiều loại hàng hoá khác nhau cũng như những biến tướng để lách luật.
Hơn nữa, cần đánh giá đầy đủ tác động của việc ban hành chính sách này. Giả sử vàng miếng của Việt Nam biến mất sau một đêm và Chính phủ đóng cửa không cho nhập, chuyện gì sẽ xảy ra? Sẽ có rất nhiều điều không thể ngờ được sẽ xảy ra nhưng có một điều khá dễ dự đoán là giá bất động sản sẽ tăng vọt. Và ai là người hưởng lợi từ chính sách cấm quản lý vàng miếng?
Thiết nghĩ, cấm mua vàng miếng chỉ là biện pháp chữa trị triệu chứng chứ không đánh vào nguyên nhân sâu xa của bức tranh vĩ mô hiện nay: năng lực sản xuất và cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng tụt hậu vì đầu tư kém hiệm quả, thất thoát quá nhiều, chi tiêu lãng phí trong khi tiết kiệm (nhất là tiết kiệm của khu vực công) quá thấp, tất cả do đặt nặng mục tiêu tăng trưởng trước đây.
TS LÊ HỒNG GIANG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét