Thứ Ba, tháng 7 19, 2011

Tại sao nghị quyết 11 lại thất bại

Đã 5 tháng đã trôi qua từ khi bắt đầu thực thi nghị quyết 11 và chúng ta thường nghe thấy những bài viết tuyên truyền cho việc thực thi nghị quyết này đầy rẫy trên mặt báo. Tuy nhiên vào cuối tháng 5, Chính phủ Việt Nam đã thay đổi từ chính sách Tiền tệ Co rút sang chính sách Tiền tệ Bành trướng đã dấy lên nỗi lo ngại của giới quan sát kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế. Còn con số chỉ tiêu lạm phát thì bị đẩy lên từ 7% lên 11,75%, 15% và hiện tại đang là 17%. Đời sống người dân giảm sút nghiêm trọng từ tác động của lạm phát.



Quay lại với vấn đề lạm phát, chúng ta thường biết rằng để giảm lạm phát thì phải giảm đi cung tiền của nền kinh tế bằng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất cơ bản … Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam đã sai lầm khi không tính tới điều kiện đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, đại bộ phận dân chúng Việt Nam chi tiêu phần lớn thu nhập của mình vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, xăng dầu, quần áo v.v.. Đây là những loại cầu rất ít co giãn cho nên khi Ngân hàng Nhà nước rút tiền về hay không thì nó cũng không tăng hay giảm là bao. Nếu có nhiều tiền trong nền kinh tế thì nhu cầu này chuyển từ lượng sang chất và ngược lại.

Do đó, chúng ta có thể thấy rõ là trong 6 tháng qua, chỉ có mặt hàng thực phẩm,xăng dầu là tăng giá, các mặt hàng khác như thời trang, điện thoại di động, máy vi tính đều giảm giá và có những doanh nghiệp trong lĩnh vực này phá sản.

Thứ hai, bản chất của nền Kinh tế Việt Nam là tăng trưởng chủ yếu dựa trên đầu tư công, phần đóng góp của khối Doanh nghiệp tư nhân chưa đúng tầm, trong khi các nhà cung cấp các mặt hàng thiết yếu kể trên, trừ xăng dầu thì đều do tư nhân nắm giữ. Chính phủ rút tiền về trong 1 diện chung, rộng và do đó các lãnh vực sản xuất hàng thiết yếu không có sự đầu tư cần thiết, dẫn đến bất ổn.

Còn các dự án vay nợ nước ngoài giải ngân cũng có thể coi là 1 hình thức đầu tư công. 1 năm kinh tế nội địa VN chỉ cần dậm chân tại chỗ thì FDI và ODA giải ngân vào VN đã chiếm 7-8% GDP, tăng trưởng chẳng qua là do cái số vốn mới này vào, và nó cũng chính là lạm phát, và là 1 trong những nhân tố đẩy lạm phát lên cao do sự thất thoát quá lớn từ tham nhũng. Hầu hết các dự án được phê duyệt này không mang tính chất đầu tư lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam. Tư duy nhiệm kỳ khiến cho các lãnh đạo địa phương nhanh chóng phê duyệt để có tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, trong nhiệm kỳ cho địa phương mình lãnh đạo. Tác hại của những dự án này là làm nền kinh tế Việt Nam phình to ra nhưng không khỏe, năng suất lao động tại Việt Nam không tăng là mấy.

Thứ ba, khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chủ yếu vay vốn ngân hàng để tiến hành sản xuất. Trong khủng hoảng kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm liên tục khiến cho họ không thể huy động được vốn sản xuất từ việc bán cổ phiếu đi. Đồng thời các ngân hàng tăng lãi suất khiến họ không thể vay vốn được cho các hoạt động sản xuất hàng hóa. Lời không đủ trả nợ ngân hàng, họ phải co cụm sản xuất trong khi tăng giá bán để bù lại số tiền lời trả cho ngân hàng, hoặc bị phá sản. Số cầm cự được do "1 mình 1 chợ" nên tăng giá bán, làm tăng lạm phát.

Trong khi đó, trong số dân tiêu thụ không giảm chi tiêu như đã giải thích ở điểm đầu tiên và do dân Việt Nam không sử dụng thẻ tín dụng bao giờ nên số cầu không giảm là bao, hoặc giảm ít hơn số cung.

Đó là những điều kiện đặc biệt tại nền kinh tế Việt Nam khiến cho việc thực thi nghị quyết 11 sẽ gặp thất bại hoàn toàn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét