Thứ Bảy, tháng 12 24, 2011

[Beyondbrics] Việt Nam: dường như dễ tổn thương

Ben Bland
Tqvn2004 lược dịch
Hiệu đính bởi Quang – thành viên ban biên tập Dự đoán kinh tế

Theo FT blog

Khi triển vọng kinh tế ở Mỹ và Châu Âu xấu đi từng ngày, các nhà đầu tư đang đặt câu hỏi: Quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi tác động mang tính dây chuyển của một cuộc suy thoái kép?

Leif Eskesen, một nhà kinh tế khu vực tại ngân hàng HSBC ở Singapore, tính toán rằng Việt Nam, quốc gia đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài của riêng mình, là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước hoạt động kém hiệu quả, khu vực ngân hàng gặp nhiều khó khăn, và tình trạng tài khóa tồi tệ.

Indonesia, quốc gia có thị trường nội địa lành mạnh và các doanh nghiệp có bảng cân đối tài sản khỏe khoắn, sẽ là quốc gia có khả năng vượt qua khủng hoảng dễ dàng nhất trong số các nền kinh tế lớn thuộc Đông Nam Á.

Để đánh giá khả năng bị tổn thương một cách tương đối giữa Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, HSBC đã xem xét 3 yếu tố:

- Nguy cơ đổ vỡ tràn lan, níu kéo lẫn nhau xuống hố giữa thương mại, tài chánh, và tín nhiệm của các nhà đầu tư;
- Sức mạnh bản tổng kết tài chính của các công ty và ngân hàng;
- Các sự lựa chọn trong chính sách tài khóa và các chính sách khác mà chính phủ có thể thay đổi để đối phó.

Eskesen cho năm quốc gia nói trên điểm từ 1 tới 5 cho mỗi yếu tố, và kết luận của ông sẽ đặc biệt khó chịu đối với quan chức và các nhà đầu tư Việt Nam.

Indonesia dẫn đầu nhóm với một số điểm trung bình là 2, kế đến là Malaysia (2.3), Thái Lan (2,7) và Philippines (3) không quá xa phía sau. Nhưng Việt Nam đứng dưới cùng của nhóm, bởi Eskesen cho điểm 5 đối với tất cả các yếu tố.

Tại sao Việt Nam bị đánh giá tệ như thế? Eskesen viết:
Ở Việt Nam, nguy cơ đổ vỡ hàng loạt bị làm trầm trọng hơn bởi các mất cân đối bên ngoài (thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, và dự trữ ngoại hối thấp) và bên trong (lạm phát cao, thâm hụt ngân sách lớn, và bảng cân đối tài sản yếu của doanh nghiệp). Việt Nam cũng không còn nhiều biện pháp có thể xoay xở tình hình.
Với sự nhạy cảm của các quan chức trong chế độ một đảng do Đảng Cộng sản cai trị, thì các số liệu và phát hiện của HSBC có thể sẽ không được báo chí nhà nước gấp rút đăng tải. Cách đây ít lâu, các cán bộ cấp cao đã chỉ thị cho các nhà báo địa phương không được đưa tin Việt Nam đang phải gánh chịu tỷ lệ lạm phát cao nhất Châu Á (19,8% tính theo cùng kỳ năm trước).

Tuy nhiên, mượn câu cách ngôn của Warren Buffett [*], trong khi Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương nhất, các quốc gia khác cũng khó tránh khỏi tình huống bị nhìn thấy đang bơi truồng, nếu thủy triều lùi ra quá xa.

Toàn bộ khu vực sẽ bị tổn thương, Eskesen đã viết, nếu thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, một cuộc khủng hoảng tồi tệ tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, “thậm chí là còn tồi tệ hơn, nếu xét đến các nền kinh tế phát triển có ít các lựa chọn hơn trong khoảng thời gian này”.

Eskesen kết luận:
“Dù các quốc gia mới nổi, bao gồm cả ASEAN-5, có một số năng lực để thực hiện các chính sách chống lại chu kỳ suy thoái, thì họ giờ đây cũng có ít lựa chọn hơn so với ba năm trước”.
____________________
[*] Cách ngôn của Warren Buffett: “Chỉ khi thủy triều lùi ra xa, bạn mới biết ai đã cởi truồng đi bơi”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét