Chủ Nhật, tháng 6 12, 2011

Nghị quyết 11 đã chính thức bị khai tử

Chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang dần mở rộng?

▪  MINH ĐỨC
11/06/2011 11:23 (GMT+7)
Một số thông tin phản ánh gần đây cho biết, “lãi suất thỏa thuận” giữa người gửi tiền với ngân hàng đã giảm, kể cả với những khoản tiền gửi lớn. Mặt bằng lãi suất cho vay VND cũng đã giảm nhẹ từ 0,3% – 0,5%/năm – Ảnh: Getty.
Dường như chính sách tiền tệ từ cuối tháng 5 đến nay đang có hơi hướng thay đổi, từ thắt chặt sang dần mở rộng.

Trong các thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng như phát ngôn chính thức của lãnh đạo cơ quan này thời gian qua, từ “thắt chặt” gần như không được dùng đến khi nói về việc điều hành chính sách tiền tệ. Thay vào đó là sự “linh hoạt” và “thận trọng”.

Nhưng dù thế nào thì việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng đã thể hiện rõ từ tháng 2/2011, khi Ngân hàng Nhà nước đồng loạt tăng các lãi suất điều hành, và liên tiếp tăng lên cho đến các quyết định gần nhất là ngày 1/5. Hướng điều chỉnh này được xem là sự quyết liệt trong việc sử dụng các công cụ lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Từ tháng 5 đến nay, ít nhất là chưa có lần tăng nào tiếp theo ngoại trừ việc nâng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở từ 14%/năm lên 15%/năm. Và chính sách tiền tệ dường như đã có sự mở rộng nhất định.

Những con số cần kiểm chứng
Cho đến lúc này, từ các kênh khác nhau, con số về lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã mua vào từ cuối tháng 4 đến nay vẫn chưa được thống nhất.
Con số đầu tiên là 1 tỷ USD từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Con số tiếp theo là 1,2 tỷ USD được đưa ra tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Con số thứ ba là khoảng 877 triệu USD mua ròng từ đầu năm đến cuối tháng 5 (đã trừ đi số phải bán ra để bình ổn thị trường trong khoảng hai tháng đầu năm). Con số tham khảo thứ tư là 2 tỷ USD nguồn dự trữ ngoại hối tăng thêm trong ba tháng qua, đưa ra tại hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra từ 8 – 9/6. Và con số nữa là 0,9 tỷ USD tăng thêm của dự trữ ngoại hối trong tháng 5, theo nguồn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…

Từ những con số này, có thể dự tính Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hơn 20.000 tỷ đồng để mua vào ngoại tệ. Những ngày gần đây, giá USD mua vào của các ngân hàng thương mại cũng như trên thị trường liên ngân hàng thấp hơn giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, cửa mua vào để tăng dự trữ ngoại hối vẫn mở và đồng nghĩa với nguồn vốn VND đưa ra đối ứng.
Đáng chú ý hơn khi tuần rồi một tổ chức đầu tư lớn cho hay, những thông tin “không chính thức” cho biết Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra khoảng 70.000 tỷ đồng qua cửa tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. Một sự trùng hợp là một tuần trước đó, một tổ chức đầu tư khác cũng nói rằng “chúng tôi nhận thấy Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh tái cấp vốn cho một số ngân hàng”…

Với thị trường nhạy cảm này, đặc biệt là lợi ích và ảnh hưởng của thông tin đối với giới đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân), đó là những con số quan trọng cần kiểm chứng thật chính xác hơn là ở mức độ tham khảo. Tuy nhiên, từ con số dự trữ ngoại hối đến lượng mua vào ngoại tệ, dữ liệu giao dịch trên thị trường mở và đặc biệt là lượng vốn tái cấp vốn tại các thời điểm vẫn là “mật”, hoặc không công bố rộng rãi. Dĩ nhiên, nhà điều hành có những lý do của mình, cũng như từ chối trả lời khi truyền thông cần kiểm chứng.

Thế nhưng, phía sau những con số đó là lợi ích, mà cụ thể là những suy đoán về chính sách. Giả sử con số hơn 20.000 tỷ đồng (và có thể hơn nữa) đưa ra mua ngoại tệ cùng với khoảng 70.000 tỷ đồng tái cấp vốn nói trên có độ chính xác cao, việc nhận định chính sách tiền tệ đang có thay đổi từ thắt chặt sang mở rộng (khác với nới lỏng) là có cơ sở. Thay đổi này đang được một số tổ chức đầu tư tính đến.
Thêm nữa, nếu 70.000 tỷ đồng được hỗ trợ qua kênh tái cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ thì có thể suy đoán nó nhằm xoa dịu giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, cũng như căng thẳng trong cạnh tranh huy động vốn – vốn ngột ngạt trong thời gian qua.

Tín hiệu từ trái phiếu
Từ cuối tháng 5 đến ngày 10/6, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) liên tiếp ghi nhận các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh thành công, thay cho tình trạng thất bại kéo dài trước đó.

Đơn cử, khối lượng 2.000 tỷ đồng trái phiếu phiên đấu thầu ngày 2/6 được bán gọn; 3.000 tỷ đồng trái phiếu ngày 9/6 cũng được mua hết; 2.000 tỷ đồng trái phiếu ngày 10/6 cũng không còn dư. Đáng chú ý là lãi suất trái phiếu đã có xu hướng giảm đáng kể. Sau những thành công đó, ngày 16/6 tới, Bộ Tài chính đã “mạnh dạn” đưa lượng trái phiếu Chính phủ ra đấu thầu lên tới 5.000 tỷ đồng.
Phía sau những chuyển biến trên là sự hậu thuẫn từ trạng thái thanh khoản đã tốt hơn của các thành viên dự thầu – các ngân hàng thương mại, đi cùng với kỳ vọng lạm phát sẽ giảm dần. Bên cạnh một lượng vốn trái phiếu Chính phủ khá lớn vừa đáo hạn, sự hậu thuẫn đó có hơi thở của chính sách tiền tệ đã mở rộng hơn theo suy đoán trên.

Một phần nguồn vốn từ các ngân hàng đã trở lại với trái phiếu. Một phần đầu tư với kỳ vọng lạm phát sẽ giảm dần. Một phần từ yêu cầu phòng thủ, có hàng để mượn vốn trên thị trường mở hay để tái chiết khấu nếu khó khăn thanh khoản xẩy ra trong tương lai… Và một số nhận định gần đây cho rằng, do các nhà băng khó đẩy mạnh cho vay, vốn khả dụng được cải thiện nên một phần tìm đến trái phiếu như một hướng giải phóng bớt năng lượng.

Khó đẩy mạnh cho vay là một thực tế, bởi rào cản chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay phải dưới 20%. Quy mô cho vay khó mở rộng, tính chọn lọc tín dụng theo đó sẽ cao hơn. Và khi đầu ra hạn chế, đầu vào sẽ được cân đối mà cụ thể là lãi suất huy động.

Một số thông tin phản ánh gần đây cho biết, “lãi suất thỏa thuận” giữa người gửi tiền với ngân hàng đã giảm, kể cả với những khoản tiền gửi lớn. Mặt bằng lãi suất cho vay VND cũng đã giảm nhẹ từ 0,3% – 0,5%/năm.

Tuy nhiên, để lãi suất thực sự hạ nhiệt, cơ sở đầu tiên vẫn là lạm phát trong thời gian tới. Từ tháng 6 này, lạm phát được dự báo là sẽ bắt đầu giảm tốc rõ rệt. Nhà điều hành cũng đã đưa ra thông điệp sẽ bám sát diễn biến này để có những tác động đến lãi suất, dĩ nhiên là từng bước và vẫn thận trọng.
“Về nguyên tắc chung, khi CPI giảm dần, Ngân hàng Trung ương sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất theo hướng đạt được sự ổn định tương đối vững chắc chứ không thể thay đổi ngay về chính sách, về lãi suất”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói trong thông tin công bố ngày 9/6 vừa qua.

Dẫn nguồn từ vneconomy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét