Theo bản tin từ Tuổi Trẻ ngày 8/6/2011, CP dự định sẽ chi 70.000 tỷ VND (tức 3.5 tỷ USD) để “đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”, và sau không biết bao nhiêu lần “cải cách”, “đổi mới” giáo dục những năm trước đó.
Chắc chắn một phần không nhỏ trong tổng số 3.5 tỷ USD kia sẽ được “chia đều” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&DT), nơi soạn thảo và nhà xuất bản Giáo dục (NXB GD), vốn là công ty nhà nước (trực thuộc Bộ GD&DT) độc quyền in sách giáo khoa tại Việt Nam.
Theo tin tức được công khai gần đây nhất (Thanh Niên, 22/3/2009), NXB GD có doanh thu trong toàn ngành với trên 870 tỷ VND, lãi của NXB GD cũng dẫn đầu ngành với trên 25 tỷ VND.
Tuy nhiên, con số 25.1 tỷ VND cũng còn thấp hơn con số do Bộ GD&DT công bố là 50 tỷ VND trong giai đoạn 2002 – 2006 (Người Lao Động, 16/5/2008).
Từ 50 tỷ VND trong 4 năm liên tiếp, thế mà lợi nhuận của NXB GD giảm hơn 50% còn 25 tỷ chỉ trong vòng 1 năm, tin được không?
Cũng trong khoảng thời gian 2008, nhiều tờ báo lớn đã lên tiếng chỉ trích và nêu ra nghi vấn “siêu lợi nhuận” của NXB GD (Báo Đất Việt, 14/5/2008).
Thậm chí trước đó, vào năm 2006 GS-TSKH của ĐH Quốc gia HN Trần Xuân Hãn đã cho rằng NXB Giáo dục lãi trên 100 triệu USD, gây bức xúc trong dư luận (Thanhtra.gov, 20/10/2006).
Sau giai đoạn lùm xùm 2006 – 2008, từ đó đến nay con số lợi nhuận, doanh thu của NXB GD không còn xuất hiện trên mặt báo nữa.
———————–
Tuy nhiên, may mắn thay tin tức về những gói đầu tư chứng khoán của NXB GD vẫn được công bố.
Vào năm 2009, NXB GD bán 228.600 cố phiếu HEV (Công ty CP Sách Đại học và Dạy nghề), nếu lấy mức giá giao dịch tại thời điểm đăng tin là 21.900 VND/CP (ATPVietnam, 22/10/2009), thì tổng giá trị cổ phiếu NXB GD vừa bán là gần 5 tỷ VND, chiếm 10% lợi nhuận 2002 – 2006, và hơn 20% lợi nhuận của năm 2008.
Hơn thế nữa, cuối 2010, NXB GD đăng ký bán hàng triệu cổ phiếu của các công ty sách, bản đồ, thiết bị dạy học.. khác, với tổng giá trị ước tính không dưới 20 tỷ VND.
Nếu tính luôn tổng số cổ phiếu mà NXB GD nắm giữ sau loạt giao dịch trên, thì tổng giá trị cổ phiếu mà NXB GD sở hữu không dưới 50 tỷ VND (Cafef, 16/12/2010).
Nếu để ý, các mã cổ phiếu đều thuộc các công ty in ấn sách, bản đồ, thiết bị dạy học.. khác như CTCP Đầu tư tài chính giáo dục (EFI), CTCP Sách Đại học và Dạy nghề (HEV), CTCP Sách giáo dục tại Tp.Hà Nội (EBS), CTCP Bản đồ và tranh ảnh giáo dục (ECI)..v.v…
Mạng lưới công ty in ấn phục vụ giáo dục quá nhiều, quá dư thừa và có một lượng vốn tập trung vào đó rất lớn, dù công việc, kỹ nghệ in ấn sách, bản đồ, thiết bị dạy học.. không phải là ngành công nghệ cao, tiên tiến.
Và theo như tiết lộ từ Tổng Giám đốc NXB GD, hệ thống in ấn, phân phối SGK tại Việt Nam gồm 80 nhà in thuộc Trung ương, địa phương, và 64 công ty con của các Sở GD&DT (SGGP, 27/10/2006).
Tổng cộng, có không dưới 148 công ty tham gia và quá trình in ấn, vận chuyển, phát hành SGK tại Việt Nam. Tất cả đều thuộc sở hữu Nhà nước, Trung ương, địa phương hoặc trực thuộc Bộ, Sở GD&DT.
———————–
Tuy nhiên, mới đây nhất, NXB GD, cũng như các cty nhà nước độc quyền khác, lại ca điệp khúc lỗ lã quen thuộc, và tuyên bố sẽ tăng giá trên 16.9% năm học tới (Lao Động, 29/4/2011).
Bất kể rằng tỉ lệ chi cho giáo dục của Việt Nam không nhỏ, thuộc hàng “khủng” trên thế giới.
Trong số đó, chi tiêu cá nhân cho giáo dục chiếm trên 40%, tức các bậc cha mẹ tại VN đã phải bỏ ra gần 28.000 tỷ VND cho con cái mình ăn học, mà một phần không nhỏ là chi tiêu sắm sửa sách giáo khoa (ĐHKT Huế, 19/2/2006). Các năm sau này con số trên chắc chắn sẽ còn tăng lên nhiều, do sách giáo khoa liên tục tăng qua nhiều đợt (2006, 2008, 2010, 2011).
Chi tiêu cho giáo dục tính theo GDP tại Mỹ, theo số liệu trên, chỉ bằng 7.3%, tuy nhiên với học sinh Mỹ thì:
- Được đi học miễn phí từ lớp 1 – lớp 12.
- Được đưa đón bằng xe buýt miễn phí.
- Được cung cấp bữa trưa miễn phí (hoặc giá rẻ, tùy tiểu bang), bữa sáng và bữa chiều có thể được miễn phí.
- Được cung cấp sách giáo khoa miễn phí hằng năm, cuối năm nộp lại.
- Cấp ĐH, CĐ được nhận nhiều học bổng của chính phủ, tiểu bang (ed.gov/fund, fafsa.gov, grants.gov..)
- Hưởng một nền giáo dục thế giới.
Nhìn lại Việt Nam, với chi tiêu giáo dục chiếm trên 8.3%, mà gần phân nửa là đến từ nguồn lực bên ngoài (phi chính phủ), chúng ta đã làm được gì?
Tệ hơn thế, một công ty nhà nước, hoạt động vì mục tiêu giáo dục, lại được chính phủ cơ cấu để trở thành một tập đoàn kinh tế. Mà, “tập đoàn kinh tế” (nhấn mạnh chữ “kinh tế”) thì mục tiêu đạt lợi nhuận cao nhất có còn vì tương lai trẻ thơ, tương lai của nền giáo dục nữa không? (Vietbao, 2/1/2008) Buồn thay, ngay cả ngành giáo dục mà người dân vẫn bị “vắt”.
———————–
Cuối cùng, dưới đây là một vài ý kiến mà nếu được theo đuổi sẽ dẹp bỏ được tình trạng độc quyền trong giáo dục, làm giảm nhẹ ngân sách, tài nguyên quốc gia và của người dân:
- Cho phép tự do in ấn, biên soạn SGK, không nên tập trung, độc quyền dành cho NXB GD. Kêu gọi các tổ chức giáo dục lớn như Cengage, Pearsons, Oxford, Cambridge Press.. tham gia.
- Dẹp bỏ hệ thống 64 công ty phân phối SGK trực thuộc Sở GD&DT, đấu thầu in ấn công khai đối với cá nhân, không gói gọn trong 80 công ty của Trung ương, địa phương.
- Quyền sử dụng, lựa chọn SGK thuộc về nhà trường, phòng/sở giáo dục quận/thành phố (sẽ có nạn tham nhũng nhưng tránh được lãng phí lớn như hiện nay).
- Tiến hành chương trình “mượn sách”. Bắt buộc các trường từ cấp 1 – cấp 3 phải tham gia, đầu năm nhà trường phát sách MIỄN PHÍ cho học sinh, cuối năm thu lại. Như vậy tiết kiệm cho toàn dân hàng trăm tỉ VND, tạo điều kiện cho học sinh nghèo, thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa, thôn quê.. Giả sử cuốn nào hư hỏng hoặc mất mát học sinh tự bồi thường riêng. Hiện nay mỗi năm học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 phải mua hàng bộ sách cho từng năm học, trị giá gần 100k – 200k, chưa kể sách tham khảo.. là quá lớn, thừa thãi, lãng phí.
—
ATPVietnam, “HEV: Nhà xuất bản Giáo dục đăng ký bán 228.600 cổ phiếu”, 22/10/2009, <http://atpvietnam.com/vn/san_hnx/40804/index.aspx>
Báo Đất Việt, “Bán SGK siêu lợi nhuận vẫn ‘đòi’ bù lỗ”, 14/5/2008, <http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/2008/5/6581.datviet>
Cafef, “NXB Giáo dục VN đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu EFI, HEV, EBS, ECI, EID, DAD, SED”, 16/12/2010, <http://cafef.vn/ebs-51015/nxb-giao-duc-vn-dang-ky-ban-luong-lon-co-phieu-efi-hev-ebs-eci-eid-dad-sed.chn>
ĐHKT Huế, “Chi tiêu cho giáo dục: những con số ‘giật mình’”, 19/2/2006, <http://www.hce.edu.vn/readarticle.php?article_id=64>
Lao Động, “Năm 2011, sách giáo khoa tăng giá 16,9%”, 29/4/2011, <http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Nam-2011-sach-giao-khoa-tang-gia-169/41217>
Người Lao Động, “NXB Giáo dục chỉ lãi 50 tỉ đồng/năm?”, 16/5/2008, <http://nld.com.vn/224950P0C1017/nxb-giao-duc-chi-lai-50-ti-dongnam.htm>
SGGP, “Xóa độc quyền sách giáo khoa”, 27/10/2006, <http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2006/10/68141/?
Thanh Niên, “NXB Giáo dục và NXB Trẻ lãi cao nhất”, 22/3/2009, <http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200912/20090322234636.aspx>
Thanhtra.gov, “”NXB Giáo dục lãi 100 triệu USD/năm”?”, 20/10/2006, <http://www.thanhtra.gov.vn/PortletBlank.aspx/5029A39874D649149B2EBD4C061300E2/View/thanh-tra-chinh-phu/504B10D4571AC1153ABCC326A3231333/4876.ttcp?print=NXB_Giao_duc_lai_100_trieu_USD-nam%2411412>
Tuổi Trẻ, “70.000 tỉ đồng cho một đề án giáo dục”, 8/6/2011, <http://tuoitre.vn/Giao-duc/441507/70000-ti-dong-cho-mot-de-an-giao-duc.html>
Vietbao, “NXB Giáo dục sẽ thành tập đoàn kinh tế”, 2/1/2008, <http://vietbao.vn/Giao-duc/NXB-Giao-duc-se-thanh-tap-doan-kinh-te/20762144/202/>
0 nhận xét:
Đăng nhận xét